Bạn muốn tự xây dựng một website của riêng mình, mà không cần phụ thuộc vào các dịch vụ lưu trữ khác như wordpress.com, blogger.com…? Để làm được, ngoài tên miền (domain), mã nguồn website và một nơi để lưu trữ website, đó chính là hosting. Có người ví von rằng, nếu tên miền là địa chỉ của ngôi nhà, website của bạn là ngôi nhà thì hosting là mảnh đất để ngôi nhà đó được dựng lên và tồn tại.
Như vậy, hosting là một yếu tố hết sức quan trọng khi xây dựng một website. Site của bạn có thể sử dụng được mã nguồn gì, tốc độ tải site nhanh hay chậm, lưu trữ được dữ liệu nhiều hay ít, phục vụ được cùng lúc bao nhiêu lượt truy cập, có được chăm sóc, hỗ trợ giải quyết các yêu cầu khi có sự cố hay không… đều phụ thuộc vào loại hosting và nhà cung cấp dịch vụ hosting mà bạn lựa chọn.
Dưới đây là những thông tin mình tổng hợp để giúp các bạn có một cái nhìn tổng quan về hosting và những vấn đề cần quan tâm khi lựa chọn hosting:
Hosting là gì?
Hosting hay Web hosting là không gian lưu trữ được chia nhỏ từ server giúp bạn đăng tải dữ liệu, xuất bản website, hoặc ứng dụng trên internet. Khi sử dụng hệ thống hosting, bạn đặt lên server (hay còn gọi là máy chủ) của nhà cung cấp các tệp dữ liệu cần thiết để website hay ứng dụng online của bạn chạy được. Những nhà cung cấp hosting chịu trách nhiệm giữ các server (máy chủ vật lý) hoạt động liên tục. Đồng thời cũng đảm bảo việc cung cấp hosting diễn ra suôn sẻ. Họ sẽ chống xâm nhập máy chủ, đồng thời xử lý dữ liệu (văn bản, nội dung, hình ảnh, files) từ hosting đến trình duyệt người dùng.
Hosting có thể chia làm các loại như sau:
1- Dedicated Server (hay còn gọi là máy chủ riêng, máy chủ vật lý): Với Dedicated Server Hosting, bạn sẽ được toàn quyền kiểm soát máy chủ. Điều này mang tới rất nhiều lợi ích tuyệt vời. Nhưng đồng thời, giá đăng ký dịch vụ Dedicated Server Hosting cũng đắt hơn và việc quản lý cũng phức tạp hơn.
Khi bạn có quyền truy cập trực tiếp vào máy chủ đang lưu trữ dữ liệu trang web của mình, bạn có thể cài đặt bất kỳ loại phần mềm thích hợp nào bạn muốn, thay đổi hệ điều hành, ngôn ngữ hoặc chỉnh sửa cài đặt cấu hình.
Ưu điểm khác khi sử dụng Dedicated Server Hosting chúng ta không thể bỏ qua là website của bạn chính là thứ duy nhất tiêu tốn tài nguyên từ máy chủ. Điều này làm tăng tốc độ và dung lượng lưu trữ một cách đáng kể.
Tất nhiên, khi bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn trên máy chủ, bạn cũng phải chịu trách nhiệm về tất cả những gì bạn đã làm trên máy chủ này. Bạn cần tự cập nhật tất cả các phần mềm, gỡ lỗi nếu bạn vô tình tạo ra bất kỳ xung đột hoặc vấn đề kỳ lạ nào.
Dedicated Server Hosting cũng có giá đắt hơn rất nhiều. Với Shared Hosting, có thể có 100 website được lưu trữ trên cùng một máy chủ – đồng nghĩa với giá thành được chia nhỏ tới 100 lần. Trong khi đó, với Dedicated Server Hosting, bạn là người duy nhất sử dụng máy chủ và bạn sẽ phải trả toàn bộ chi phí.
2- Virtual Private Server (VPS – máy chủ ảo riêng) – Bạn thuê một máy chủ riêng nhưng đây chỉ là một máy ảo được sinh ra bởi một máy chủ vật lý, bạn cũng được quyền làm mọi thứ nhưng hiệu năng kém hơn máy chủ vật lý. VPS được tạo ra từ Dedicated Server thông qua công nghệ ảo hóa. Với lưu trữ VPS, bạn có toàn quyền kiểm soát không gian lưu trữ dữ liệu giống như cách bạn làm với Dedicated Server Hosting. Chi phí thuê VPS giờ cũng rẻ hơn trước nhiều.
3- Cloud Hosting là dịch vụ hosting được vận hành trên nền tảng điện toán đám mây (cloud computing). Dịch vụ này cho phép đặt website của doanh nghiệp lên một vùng cloud (đám mây). Tượng trưng cho một tập hợp các server chịu trách nhiệm xử lý hoạt động của website. Khác với các mô hình hosting truyền thống, Cloud Hosting cho phép gộp tài nguyên của nhiều server vật lý bằng cách sử dụng công nghệ ảo hóa của VPS hosting.
Vì thế, cloud hosting được xem là một giải pháp tân tiến hơn của VPS hosting. Tài nguyên sử dụng cho website được cấp phát cho doanh nghiệp gần như là vô hạn. Lượng tài nguyên của cloud hosting có thể tùy chỉnh cực kì linh hoạt chỉ bằng vài cú click chuột và vài phút hỗ trợ từ nhà cung cấp dịch vụ cloud hosting.
4- Shared Hosting (nên gọi tắt là host, hosting) – Thông qua phần mềm quản lý File (hay công cụ quản lý webhossting: DirectAdmin, cPanel…) một máy chủ vật lý hoặc máy chủ ảo sẽ được chia nhỏ thành nhiều gói Hosting. Trên Hosting đã được cài sẵn các ứng dụng nền tảng cần thiết để tạo ra, duy trì sự hoạt động của website. Bạn nên bắt đầu bằng cách sử dụng Shared Host. Với shared hosting, bạn không cần lo nghĩ đến việc quản trị, bạn chỉ cần đưa dữ liệu website lên sử dụng những thông số cấu hình với mức phí bạn bỏ ra.
Với Shared Hosting, dữ liệu website của bạn và nhiều khách hàng khác sẽ được lưu trữ trong cùng một máy chủ. Tất cả các trang web đến từ các tài khoản khác nhau được xử lý bởi cùng một CPU. Như vậy, tài nguyên mà bạn được sử dụng sẽ ít hơn, đó chính là lý do vì sao chi phí đăng ký Shared Hosting rẻ đến thế.
Những vấn đề hay xảy ra đối với những người sử dụng shared hosting như sau:
- Dễ gặp sự cố: Mặc dù nói rằng máy chủ cung cấp dịch vụ Shared Hosting có khả năng làm việc tốt nhưng nếu có hàng trăm hoặc hàng ngàn khách truy cập vào hosting cùng một lúc trang web của bạn có thể sẽ gặp sự cố.
- Không có khả năng tuỳ chỉnh môi trường lưu trữ:. Điều này có thể không có ảnh hưởng gì tới bạn nếu bạn chỉ đang chạy một blog wordpress đơn giản. Nhưng bạn sẽ gặp rắc rối khi trang web của bạn có cấu trúc phức tạp hơn.
- Website của bạn có thể bị ảnh hưởng bởi các vấn đề của website khác: Cho dù bạn cẩn thận trong việc bảo mật trang web của mình như thế nào đi chăng nữa, website của những người khác có thể bị tấn công bởi virus và các phần mềm độc hại. Vì “ngôi nhà” của bạn đang được xây dựng trên cùng mảnh đất với “ngôi nhà” của người đó nên rất có thể website của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng.
- Shared hosting có bảo mật không tốt: Nếu bạn chia sẻ cùng một địa chỉ IP với các trang web khác trên cùng một máy chủ. Nếu một người đang dùng tài khoản của họ để tham gia vào hành vi xấu hoặc spam email, website của bạn có thể bị chặn bởi tường lửa nội dung và bộ lọc của email. Tệ nhất là bạn có thể không nhận thấy vấn đề này đang xảy ra.
5- WordPress hosting là hosting được tối ưu để sử dụng cho website chạy nền tảng WordPress.
Các thông số cần biết trong hosting
- Hệ điều hành (OS) của máy chủ hiện tại có hai loại OS thông dụng là hosting Linux và hosting Windows. Mỗi hệ điều hành sẽ só nhiều phiên bản, bản phân phối khác nhau. Ví dụ, hệ điều hành Linux có thể có các bản phân phối (distro) như Centos, Ubuntu, Fedora…
- Dung lượng: Bộ nhớ lưu trữ cho phép bạn tải file lên host. Sẽ có hai loại HDD và SSD. SSD sẽ có tốc độ xử lý nhanh hơn HDD. Vì thế cùng 1 dung lượng như nhau SSD sẽ có giá cao hơn HDD.
- Băng thông: Bandwidth (băng thông) là thông số chỉ dung lượng thông tin tối đa mà website được lưu chuyển qua lại mỗi tháng
- PHP: Phiên bản php hỗ trợ
- Max file: Số lượng file tối đa có thể upload lên host
- RAM: Bộ nhớ đệm
- Addon domain: Số lượng domain bạn có thể trỏ tới hosting. Nhiều addon domain thì có thể chạy nhiều domain trên cùng một tài khoản host.
- Subdomain: Số lượng tên miền phụ có thể tạo ra cho mỗi tên miền
- Park domain: Số lượng tên miền có thể parking
- Email accounts: Số lượng email đi kèm với hosting
- FTP accounts: Số lượng FTP account bạn có thể tạo và dùng nó upload dữ liệu lên hosting
- Sao lưu, phục hồi: Hãy đảm bảo rằng bạn sẽ có chức năng sao lưu, backup, phục hồi dữ liệu khi cần.
Nên đăng ký hosting Việt Nam hay nước ngoài?
Nhiều người vẫn thắc mắc nên mua hosting ở đâu? Mua hosting ở Việt Nam hay nước ngoài thì mới tốt? Thực tế thì không có câu trả lời hoàn hảo cho vấn đề này. Tùy vào lĩnh vực kinh doanh sử dụng hosting và lượng truy cập của khách hàng và nhân viên chủ yếu ở đâu. Người mua có thể cân nhắc lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ hosting trong nước hay ngoài nước như dưới đây.
Hosting nước ngoài là hosting nằm trên server ở nhiều nước trên thế giới. Thường các máy chủ này sẽ được đặt ở Singapore, Mỹ hay các nước châu Âu. Hosting nước ngoài sẽ mang những ưu điểm và nhược điểm như sau:
Ưu điểm
- Chất lượng hosting cao vì mô hình hoạt động của họ đa quốc gia nên hạ tầng của họ cũng sẽ có phần mạnh hơn trong nước.
- Dịch vụ được đánh giá chuyên nghiệp.
- Nhiều chương trình ưu đãi: các nhà phân phối sẽ là người hưởng được nhiều nhất. Vì mô hình hosting họ mua sẽ lớn hơn nhiều những người mua lẻ. Các chương trình ưu đãi này sẽ có lợi cho những ai mua mô hình dịch vụ lớn từ nhà cung cấp.
Nhược điểm
- Quy trình mua phức tạp hơn: do yếu tố địa lý, cách thức đăng ký và thanh toán phức tạp. Người dùng phải đăng ký chi tiết hơn. Việc thanh toán cũng phức tạp do quá trình quy đổi tiền tệ và nhiều yếu tố pháp lý khác.
- Tốc độ và độ ổn định: Do các máy chủ được đặt ở nước ngoài nên tốc độ sẽ phụ thuộc vào cáp biển. Đường truyền cáp biển thì thường xuyên gặp trục trặc và dễ bị đứt nếu có thiên tai xảy ra.
- Chênh lệch múi giờ: Việc hỗ trợ từ phía nhà cung cấp cũng sẽ gặp khó khăn do thời gian làm việc khác nhau.
- Bất đồng ngôn ngữ: Trong quá trình hỗ trợ, khoảng cách ngôn ngữ sẽ gây cản trở ít nhiều.
- Quy định: Do các quy định về an ninh mạng mà đôi khi các thông tin khi được truyền tải đến người dùng sẽ phải đi qua kiểm duyệt khiến tốc độ bị ảnh hưởng.
- Có thể gặp trường hợp vi phạm hợp đồng do không được giải thích rõ quy định sử dụng.
Hosting Việt Nam là dịch vụ hosting từ các công ty quản lý hệ thống server trong nước. Những máy chủ trong nước sẽ không cần giao tiếp với nhau qua đường cáp biển vì thế tốc độ xử lý và truyền tải thông tin cũng rất tốt.
Ưu điểm
- Tốc độ truy cập tốt: do khoảng cách địa lý và băng thông nội bộ trong nước lớn.
- Thanh toán đơn giản, thủ tục nhanh chóng.
- Hỗ trợ khách hàng dễ dàng hơn nếu có sự cố.
- Không bị rào cản ngôn ngữ trong việc tiếp cận thông tin.
Nhược điểm
- Bạn cần lựa chọn kĩ lưỡng dịch vụ chăm sóc khách hàng. Hiện nay có rất nhiều công ty cung cấp dịch vụ hosting ở Việt Nam. Một số công ty mới thành lập sẽ không hỗ trợ tốt cho bạn do còn thiếu kinh nghiệm.